3 tiết còn 1 tiết Kể từ năm 2006, Bộ GD-ĐT ban hành quyết định về hoạt động hướng nghiệp tại trường phổ thông cho học sinh lớp 9, 10, 11 và 12. Theo đó, thời lượng dành cho hoạt động này ở bậc THCS là 27 tiết/năm. Chẳng hạn mỗi tháng, học sinh lớp 9 sẽ học 3 tiết về hướng nghiệp.
Qua quá trình thực hiện, nhiều trường cho rằng do áp lực chương trình dạy văn hóa chính khóa quá nặng, giáo viên không tài nào chuyển tải hết thời lượng chương trình giáo dục hướng nghiệp như quy định. Đến năm học 2008 - 2009, hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở lớp 9 giảm còn 1 tiết/tháng với các nội dung như: ý nghĩa tầm quan trọng của việc chọn nghề có cơ sở khoa học; tìm hiểu năng lực bản thân và truyền thống nghề của gia đình; thế giới nghề nghiệp quanh ta; tìm hiểu thông tin một số trường phổ biến ở địa phương... Dù thời lượng dành cho giáo dục hướng nghiệp giảm xuống, nhưng giáo viên nhiều trường THCS lại thường không dạy đủ số tiết quy định. “Nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm dạy trong tiết sinh hoạt lớp nhưng giáo viên chỉ dạy một vài tiết cho có”, lãnh đạo một trường THCS ở Q.3 (TP.HCM) nói. Nhiều giáo viên cũng thừa nhận do áp lực từ nội dung chương trình sách giáo khoa nên ít, thậm chí không chú trọng đến việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Thiếu kỹ năng Không chỉ dạy không đủ, việc hướng nghiệp cho học sinh cũng chưa được dạy đúng. Phần lớn giáo viên thường hướng cho học sinh lớp 9 chọn vào các trường THPT công lập. Bà Nguyễn Thị Ngọc Vũ, giáo viên Trung tâm kỹ thuật - hướng nghiệp Q.2, cho biết: “Qua quá trình tìm hiểu về công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS ở địa bàn quận, tôi nhận thấy, giáo viên làm công tác hướng nghiệp (thường là giáo viên dạy công nghệ, giáo viên chủ nhiệm) chỉ đẩy mạnh tư vấn cho học sinh chọn nguyện vọng vào trường THPT công lập, mà thiếu tư vấn thêm về loại hình giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề”. Tại hội thảo “Phân luồng học sinh sau trung học tại TP.HCM” diễn ra vào giữa tháng 7 qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông chưa hiệu quả và chưa liên tục, đều khắp. Đồng thời, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường thiếu sự tư vấn thêm về loại hình giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề để phân luồng học sinh một cách có hiệu quả. Giáo viên làm công tác này tại các trường thường thiếu kinh nghiệm. Thạc sĩ Phạm Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết: “Công tác hướng nghiệp có khởi sắc hơn so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những yếu kém do: thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu về tâm lý học hướng nghiệp, công tác giáo dục hướng nghiệp ở nhiều trường chưa được quan tâm đúng mức...”. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng: “Để có sự phân luồng tốt trường phổ thông phải có chuyên gia tư vấn giỏi, biết cách đưa bài toán cuộc đời cho học sinh tự giải, chứ không phải là giải giùm hay cầm tay chỉ việc”. Minh Luân |